Đặc sản ở Phú Quốc

Du lịch Phú Quốc - Phú Quốc từ lâu đã trở thành một địa chỉ nghỉ dưỡng được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Những bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng chạy dài luôn có một sức hút rất riêng đối với du khách. Đến Phú Quốc ngoài việc tắm biển, lặn ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp, đi câu cá… du khách còn được khám phá nét phong phú trong ẩm thực, đa số các món ăn ngon đều là hải sản. Hải sản Phú Quốc không đa dạng như biển Nha Trang hay Phan Thiết, Đà Nẵng, biển Phú Quốc có rất ít tôm hùm, không có tôm mũ ni, không có cua Hoàng đế, mực sim cũng rất ít. Hải sản Phú Quốc chủ yếu là ghẹ, tôm sú, ốc, bào ngư, nhum, các loại cá.

1. Ghẹ Hàm Ninh
Ghẹ là đặc sản Phú Quốc, gần như lúc nào cũng có. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịch, chấm muối tiêu chanh thật tuyệt vời. Nhưng ăn ghẹ ngon nhất thì phải đến Làng Chài Hàm Ninh hoặc bạn cũng có thể tới đây chơi và mua ghẹ mang về nhờ khách sạn nơi bạn ở chế biến cho.

Đặc sản ở Phú Quốc

2. Gỏi cá trích
"Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích cho xa"

Câu ca ấy đã khiến du khách bốn phương phần nào hình dung về sự hấp dẫn của món ăn làm từ con cá trích. Không cầu kỳ trong cách chế biến nhưng món cá trích đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mẩn: từ việc phải chọn những con cá trích thật tươi, vảy bóng trắng; vỏ bánh phải làm bằng bột gạo nguyên chất và được nhúng vào nước cốt dừa loãng cho mềm đến rau sống phải hội tụ đủ cả rau rừng và rau trồng như: đọt dứa, bằng lăng, xà lách, húng cay, dấp cá…

Đặc sản ở Phú Quốc

Cuộn các thứ rau vào bánh tráng, cho thêm vài sợi dừa nạo, gắp miếng cá trích còn tươi đỏ chấm chung với nước mắm Phú Quốc, từ từ đưa vào miệng, vị mềm giòn, ngon ngọt, chua chua của cá, vị béo của dừa và lạc rang hòa trong cái vị cay, chan chát của rau rừng cứ tan dần trong miệng khiến cho bất kỳ ai khi có cơ hội thưởng thức lần đầu sẽ thấy là lạ, lần thứ hai thấy ngon và rồi nghiện ăn món này lúc nào không hay.

>>> Đi ngay tour du lịch Phú Quốc

3. Ốc nhảy
Có rất nhiều loại ốc nhảy, trong đó phổ biến nhất là ốc nhảy trắng và ốc nhảy đỏ. Sở dĩ phân biệt được như vậy là nhờ màu sắc của vỏ ốc. Ốc nhảy trắng vỏ dày, thịt thơm và béo hơn ốc nhảy đỏ
Món ốc nhảy ngon nhất là luộc với sả, tuy nhiên các món như ốc nhảy nướng, ốc nhảy sốt sa tế… cũng rất ngon.

4. Còi biên mai
Còi biên mai chính là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai. Có thể thấy con sò này lớn cỡ nào nếu bạn cứ hình dung với con sò huyết quá thông dụng ở đất liền có hai bộ phận còi chỉ như cây tăm tre nhỏ thì còi biên mai lại lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày đến nửa móng tay. Con biên mai lớn xác vậy nhưng thịt của chúng rất nhão và ăn không ngon. Mọi tinh túy của con vật này chỉ tập trung vào hai cái còi.

Đặc sản ở Phú Quốc

Có rất nhiều cách chế biến món còi biên mai: xào cùng với nấm đông cô, nấm rơm, củ hành cùng cải bẹ xanh. Các đầu bếp còn pha thêm một chút tương đậu nành vào nước nấu xâm xấp cho ra một màu nâu đậm của đất phù sa. Cái ngọt đậm đà của thứ hải sản lạ hợp cùng cái ngọt nhẹ nhàng của các loại nấm, ngọt hăng của hành pha thêm một chút cay nồng của cải xanh khiến mọi người có thể ăn không biết no.

5. Ốc gai Phú Quốc
Đây là loại ốc có hình dáng hơi lạ mắt, vỏ gồm nhiều gai nhọn tủa ra nên mới có tên ốc gai. Ốc thường sinh sống quanh các hải đảo vùng biển Tây Nam. Giới sành hải sản rất thích loại ốc này nhờ thịt nhiều, béo và ngọt.

Đặc sản ở Phú Quốc

Ốc gai có nhiều cách chế biến khác nhau như nướng, luộc, xào tỏi, hấp gừng, trộn gỏi, nhưng thông thường nhất là ăn nướng hoặc luộc, vừa thơm ngon, vừa tiện lợi và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ốc bắt được chỉ cần rửa sạch là có thể chế biến ăn liền. Nếu muốn ăn luộc thì rất đơn giản, chỉ cần cho tất cả ốc vào nồi, đổ ít nước, chút muối và cho thêm vài tép sả rồi đậy nắp lại, nấu sôi độ 15 phút là chín.

6. Nhum Phú Quốc
Nhum thường sống thành đàn ở những vùng biển nước ta, nhiều nhất là ở Cà Ná, Ninh Thuận và Phú Quốc, Kiên Giang. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu, cỏ biển, đặc biệt là cỏ lá hẹ. Ngoại hình nhum tròn như quả cầu nhỏ, nhiều gai tua tủa tựa lông nhím nên còn có tên cầu gai hay nhím biển.

Chế biến nhum, có lẽ công đoạn vất vả nhất là cắt hết số gai tua tủa bao quanh. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi to cỡ quả bóng tennis. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý của con nhum.

Dân Phú Quốc có ba cách chế biến nhum. Cầu kỳ nhất là cạo hết lớp thịt bên trong, xào sơ với mỡ tỏi và cho vào nồi cháo đang sôi. Cháo nhum với vị béo, bùi và đặc biệt có mùi thơm ngai ngái rất đặc trưng, được xem là thức ăn bổ dưỡng, giúp nhanh lấy lại sức sau những chuyến đi biển, những khi đi đường xa mệt nhọc.

7. Nấm tràm
Đã thành truyền thống, cứ sau cơn mưa, những người sống bằng nghề hái nấm bắt đầu vào rừng, dạo qua nhiều khu vực xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến để thu hoạch. Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần.

Đặc sản ở Phú Quốc

Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần. Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa về sau lại rất ngọt và mát. Chính cái vị đắng đặc trưng tạo nên món ngon khó quên của món nấm tràm đặc biệt nơi đây.

8. Cá sòng nướng
Phải là cá sòng còn tươi roi rói (vừa lưới lên, còn sống thì càng tuyệt), nếu cá đã sắp ươn thì không ngon. Trước khi thưởng thức món cá nướng tuyệt vời này, ta nên chuẩn bị tươm tất một chút.

Than củi thật khô, vỉ nướng, hoả lò vừa phải, chanh, muối, ớt, bánh tráng mỏng và một đĩa rau sống đủ loại ăn kèm. Cá bắt lên không cần móc mang móc ruột, rửa sơ qua nước biển, để lên rổ một lúc cho thật ráo. Hoả lò đã rực than hồng, đặt vỉ nướng, rồi xếp vài con cá sòng, khêu than và chờ cá chín. Thường xuyên trở qua trở lại cho cá bén than chín đều, khi thấy hai bên phi lê cá vàng ươm tươm mỡ thơm nức mũi là cá đã chín tới. Nhẹ nhàng nâng cá ra khỏi vỉ nướng, nhẹ nhàng xếp cá lên đĩa và cũng nhẹ nhàng gỡ từng thớ thịt kẹp rau cuốn bánh tráng thưởng thức.

9. Ngoài ra du khách còn có thể mua về làm quà:
+ Rượu sim
Trái sim nguyên liệu đưa về rửa sạch, chọn quả chín xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (còn được giữ bí mật để cho ra được sản phẩm tốt) trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%.

+ Tiêu
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng thành 3 loại tiêu sọ, tiêu đen và tiêu đỏ.
Trước kia người dân nơi đây chủ yếu chỉ bán tiêu khô, nay có một sản phẩm được chế biến từ hạt tiêu đó là Muối Tiêu. Từ hạt tiêu nguyên chất kết hợp với một số gia vị như: bột ngọt, muối và đường đem rang và cuối cùng là công đoạn xay nhỏ sẽ cho ra sản phẩm muối tiêu với hương vị thơm ngon đậm đà hương vị rất riêng của Phú Quốc mà không nơi nào có được. Muối tiêu này dùng để chấm các loại hải sản hấp, luộc, cùng các loại hoa quả.

+ Nước mắm

Nước mắm Phú Quốc là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm Phú Quốc, có truyền thống trên 200 năm. Nước mắm đã được công nhận tên gọi xuất xứ "nước mắm Phú Quốc" tại châu Âu.

Đặc sản ở Phú Quốc

Nước mắm được sản xuất trong những thùng gỗ lớn, nó đóng vai trò như là một thùng lên men trong ngành sản xuất rượu bia nhưng thời gian lên men dài hơn, có khi đến 1 năm. Trước kia thùng đựng nước mắm thường làm bằng cây bời lời vì cây này mềm nên khi niền không có chỗ hở, hiện nay loại cây này khó kiếm nên người ta dùng vên vên và chai. Thùng được niền bằng song mây có nhiều ở núi Ông Tám và Bắc Đảo.

Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu. Loại cá cơm cho nước mắm ngon nhất là Sọc Tiêu và Cơm Than. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú, dùng để chữa bệnh.

Xem thêm du lịch Thái Lan | du lịch Nhật Bản | du lịch Hàn Quốc

Đăng nhận xét